Hỏi: Xin GS cho biết ý nghĩa của chiếc áo Cà sa là gì?
Trả lời: Chỉ những người đã thụ giới, cắt tóc đi tu, nguyện một đời lên chùa nương nhờ cửa Phật, tu luyện theo chỉ dạy của Đức Phật thì mới dùng áo Cà sa. Bạn là Phật tử tu tại gia thì không dùng áo Cà sa.
1- Hình vẻ áo Cà sa
Áo Cà sa, tiếng Phạn là kasaya, đơn giản chỉ là một miếng vải hình chữ nhật, dài ngắn tùy theo kích cỡ người dùng, được may viền để nhà sư khoác lên người khi hành lễ. Lịch sử ghi nhận rằng thời Đức Phật còn tại thế, Nhà vua đã đề xuất với Đức Phật may cho các Tăng Ni chiếc áo sao cho khác với dân thường để dễ nhận ra. Đức Phật khi đó đang đi giảng Đạo ở phương Nam. Một hôm ngài nhìn thấy cánh đồng rộng lớn với những cánh bờ thẳng chia cắt đất ruộng thành nhiều miếng hình chữ nhật, bèn bàn với đệ tử cùng đi là Ananda may cho mỗi thành viên của Tăng đoàn một chiếc áo hình chữ nhật rất đơn giản. Về màu sắc thì phải đơn sơ, không phô trương, tránh không dùng 5 màu chính danh xanh đỏ trắng vàng đen, mà chỉ dùng màu pha trộn như nâu đất, màu lam, màu bùn đất, màu vỏ cây nhuộm... Ngày xưa chiếc áo này do các nhà sư lượm những mảnh vải nhỏ, dân tình đã bỏ đi, mà tự tay khâu chắp lại thành áo, một chiếc áo nghèo mộc mạc đơn sơ. Ngày nay chiếc áo vẫn giữ hình hình chữ nhật (Hình 1), nhưng màu sắc và chất liệu vải áo thì đã có nhiều thay đổi. Hầu hết bây giờ là may từ mảnh vải nguyên, chứ không chắp vá nữa. Tục may áo Cà sa chắp từ nhiều mảnh có lẽ chỉ còn đang duy trì ở một vài Thiền viện lớn ở một vài nước Châu Á. Tùy theo mỗi nước, mỗi dân tộc, mỗi đạo Pháp, các màu áo Cà sa nay cũng có khác. Có nước dùng màu vàng, nước thì màu nâu, nước thì màu cam v.v...
Hình 1: Gấp áo Cà sa Phơi áo Cà sa
Ngày Đức Phật tại thế, có một bà nông dân rất ngèo, tài sản không có gì đáng giá. Bà chỉ có một miếng vải định để may áo, nay thôi chịu mặc ái rách để dâng miếng vải này cung tiến Phật. Đức Phật cảm kích trước tấm lòng chân quý của Bà, bèn bàn cắt miếng vải ra thành nhiều mảnh nhỏ để cho Tăng đoàn mỗi người đều có được một mảnh may lên áo của mình để cùng hưởng hồng phúc của tấm lòng chân quý đó. Cho nên trên ngực áo Cà sa ngày nay vẫn có một mảnh nhỏ gọi là cái “Bần Bà”, để ghi nhớ tấm lòng thơm thảo của một bà già nghèo khó. Khi khoác áo lên người thì cái Bần Bà luôn hiện trước ngực (Hình 2).
Hình 2" Mặc áo Cà sa
2- Ý nghĩa áo Cà sa
Áo Cà sa còn gọi là “Ruộng Phúc”, nghĩa là mảnh ruộng (hình chữ nhật) để mọi người đểu có thể gieo Phúc vào đấy. Gieo gì được nấy, gieo Phúc thì được Phúc. Thế là Phúc đến với mọi người. Áo Cà sa luôn giữ được nét nguyên thủy là đơn sơ, khiêm nhường và trân quý. Người Tăng Ni khoác lên mình chiếc áo Cà sa sẽ giúp họ luôn nhớ mình là người xuất gia, sống khiêm nhường giữ giới, không bám víu vào Tham Sân Si. Chiếc áo giúp họ sống an lạc, từ bi, có thêm trí tuệ và sức mạnh trên con đường tu luyện.
Áo Cà sa vừa là áo để hành lễ, áo mặc ấm, vừa là chăn đắp, hoặc có thể gấp lại là đệm ngồi giảng Đạo. Tóm lại áo không phải là cái để tôn thờ, vì với bản chất đơn sơ khiêm nhường của nó, áo có thể dùng cho mọi việc phục vụ cuộc sống của người tu hành. Đức Phật khi tại thế chỉ có 1 áo Cà sa. Nay thì tùy quy định của giáo phái mỗi nước mà số áo cho mỗi người cũng có khác nhau. Ở VN mỗi Tăng Ni luôn có 3 aó Cà sa khác nhau: 1 để hành lễ, 1 để giảng đạo, 1 để đi đường. Khi đi ra khỏi chùa thì họ đều mang theo cả 3 chiếc áo này đi theo người.
Người đời chúng ta không mặc áo Cà sa, nhưng có thể khoác trong tâm chiếc áo này. Như vậy áo vẫn giúp ta sống hướng thiện, khai sáng tâm trí ta thực thi những điều chỉ dạy của Đức Phật.
Bạn cần nhớ: Bạn đang sống trong kiếp đời này, và bạn sẽ còn quay lại làm người ở những kiếp đời sau. Vậy bạn hãy sống thiện tích Đức để kiếp đời sau được tốt đẹp hơn. Vòng đời còn xoay vần liên tục, nếu kiếp nào bạn cũng đều cố gắng như vậy thì sẽ có ngày bạn lên được tầng cao gặp Đức Phật đấy!
GSĐích