Hỏi: Người đời nói mộ kết thì con cháu làm quan.
Xin GS cho biết có đúng vậy không?
Trịnh Văn Đức- Quảng Nam
Trả lời: Không đúng. Đây là một cách hiểu sai từ nhiều đời nay, dẫn đến hy vọng vào ngôi mộ quá nhiều. Người xưa cố công mang hài cốt bố mẹ ông bà đi tỉm nơi có huyệt tốt để đặt, với hy vọng được mộ kết thì con cháu đời sau sẽ làm quan. Người ngày nay ít hy vọng vào điều này. Họ xây cất mộ tổ tiên là vì muốn có nghĩa với thế hệ trước, đồng thời cũng hy vọng ông bà tổ tiên phù hộ cho cuộc sống được thuận lợi hơn.
1- Ngôi mộ có ý nghĩa gì?
Ngôi mộ không có ý nghĩa gì với người âm trong mộ, vì người âm không cần ngôi mộ. Nhiều người hỏa thiêu rồi trải ra đồng quê sông biển có sao đâu? Nó chỉ có ý nghĩa với người Trần theo quan niệm của chính người Trần mà thôi. Người Trần quan niệm phải chăm sóc mộ tổ tiên mới là có hiếu. Đó là cái sai cơ bản. Người âm không cần mộ mà mình cứ xây mộ là việc làm vô ích. Ta cần phải quan niệm lại việc này. Tác giả đã hỏi ý kiến nhiều người âm, họ đều phàn nàn con cháu cứ ra mộ gọi họ về. Chả lẽ con cháu nó mời mà lại không về. Trong khi về cõi Trần, dưới ánh Mặt trời và không gian nghĩa trang vốn nặng trọc, bị nhiễm, khi về cõi âm lại phải thanh lọc lại. Cho nên người âm càng năng về mộ càng chết! Con cháu càng năng ra thăm mộ thì các cụ càng khổ. Người âm chỉ cần con cháu nhớ đến họ mà thờ cúng trên bàn thờ là đủ rồi, là hiếu nghĩa lắm rồi. Sợ nhất là quên cả tổ tiên. Đối với những người có công như các vĩ nhân, danh nhân, liệt sỹ... thì ngôi mộ của họ có ý nghĩa để người đời đến thăm viếng tỏ lòng biết ơn.
2- Thế nào là mộ kết?
Mộ kết có 2 loại:
- Mộ kết: là mộ đại quan, khi kết thì trong áo quan hình thành một màng trắng bao phủ thi hài. Màng này kín dần theo thời gian, dần dần kín hết bề mặt thân xác. Nếu khí vào trong áo quan thì lớp màng trắng này sẽ tiêu tan rất nhanh. Người khai mở nhãn thần có thể nhìn thấy màng trắng này trong mộ nằm sâu dưới đất.
- Mộ phát: là mộ đã cải táng rồi, nay thấy trong tiểu sành có mầu hồng rực. Mầu hồng càng rõ thì chứng tỏ mộ đang phát tốt. Người khai mở nhãn thần cũng nhìn thấy mầu này dưới tiểu sành.
3- Vì sao mộ kết phát?
Ngôi mộ kết hoặc Phát thì phải có đồng thời 3 điều kiện:
- Một là: Vùng đất tại mộ phải tụ Khí Trời;
Hai là: Phải có hơi ẩm của nước. (Mộ đặt trên đỉnh đồi thi vừa bị tạt Khí vừa dễ không có nước).
Ba là: Người âm trong mộ ở cõi Trời đang thăng tiến, tức đang có năng lượng tâm linh cao. (Vì thế mà ngôi mộ kết thường có năng lượng cao hơn ngôi mộ bình thường, và do đó mộ kết sẽ có hiện tượng trương nở và cỏ trên mộ xanh tốt).
4- Mộ kết có ý nghĩa gì?
Mộ kết hay mộ phát là do 3 yếu tố địa chất nêu trên. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Người đời quan niệm mộ kết thì con cháu đời sau làm quan là không đúng. Người âm chỉ hỗ trợ mà thôi. Mà hỗ trợ thì người âm nào cũng hỗ trợ con cháu, bất kể là mộ có kết hay không. Còn có làm quan được hay không phải do phấn đấu của mỗi người: được cấp trên và mọi người thừa nhận và tín nhiệm. Cũng có khi mua được chức vụ bằng tiền. Nhưng tất cả những người mua chức mà được làm quan thì rất dễ có hậu họa về sau. Cái đó người Trần có thể không biết, nhưng Trời Đất đều biết. Cũng như mua bằng tiến sỹ thì bằng ấy không thực, Trời Đất không bao giờ thừa nhận. Người dùng bằng giả có thể che dấu được người Trần, nhưng không che dấu được Trời Đất. Nhất định sẽ bị Trời Đất phạt về sau cho hành động gian dối này.
5- Phá mộ kết có sao không?
Không sao cả. Mỗi người âm chỉ hỗ trợ con cháu đời sau tới 7 đời tính từ đời người chết. Thường đây là những người âm có năng lượng cao. Người bình thường chết không có năng lượng tâm linh cao thì chỉ hỗ trợ khoảng 4 đời sau. Trong khoảng thời gian này, bất kể mộ có kết hay không thì người âm dưới mộ vẫn giúp con cháu. Người âm chỉ không giúp con cháu khi con cháu vô ơn tổ tiên, không nghĩ gì đến họ. Cho nên mộ kết có bị phá hay không thì cũng vậy thôi, không ảnh hưởng gì cả. Quan niệm phá mộ kết thì con cháu “sạt nghiệp “ chỉ là suy luận của người Trần. Nó không đúng thực. Sau 7 đời thì người âm không còn trực tiếp giúp con cháu nữa mà đã có các thế hệ chết sau mình làm việc này. Thế nghĩa là sau 7 đời thì ngôi mộ không còn giá trị với cả người Trần và người âm. Con cháu người Trần nay chỉ thờ cúng tổ tiên trên bàn thờ mà không cần có mộ. Đó là lý do vì sao người ta không cần xây mộ kiên cố. Tốt nhất xây đơn giản sao cho sau khoảng 4 đời ngôi mộ sẽ tự phân hủy (sau khoảng trên dưới 100 năm). Nay nhiều người vì ganh đua mà ra sức xây mộ tổ tiên bằng bê tông cốt thép, bằng đá rất kiên cố. Đó là một sai lầm lớn, vì không biết đến bao giờ mới mất ngôi mộ này, trong khi nó chỉ có giá trị sau 7 đời là cùng. Tốt nhất là sau 4 đời. Vì vậy người xưa chỉ lập bài vị thờ trên bàn thờ có 4 đời thôi (Cao, Tằng, Tổ, Khảo- cha mẹ mình, ông bà, cụ, kỵ mình).
Một dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên có tục chôn mộ san đất phẳng, chỉ lợp mái bằng mấy cành cây và lá cọ. Sau 1- 2 năm mái bị gió mưa phá hỏng là người đã về với đất, không ai còn thấy mộ nữa. Đó là cách ứng xử thông minh về ngôi mộ.
6- Kết luận
Mộ kết không có ý nghĩa đối với cả người Trần lẫn người âm. Điều quan trọng là con cháu có nhớ mà thờ cúng tổ tiên trên bàn thờ hay không, chứ không phải có năng thăm mộ hay không. Cho nên bạn đọc hãy đơn giản hóa việc xây mộ và thăm mộ. Xây mộ sao cho sau khoảng 4 đời nó sẽ tự phân hủy, trả lại đất cho môi trường. Mỗi năm chỉ nên thăm mộ 1 lần (ngày xưa vào tiết Thanh Minh, tức nửa đầu tháng 3 âm lịch) để đỡ làm khổ các cụ. Người dân thường chúng ta khi chết tốt nhất là không lập mộ, mà chỉ có bát hương trên bàn thờ nhà con cháu là đủ rồi. Như thế đỡ khổ cho linh hồn mình ở cõi âm và cũng đỡ vất vả cho con cháu ở cõi Trần. Nói thế để bạn đọc tham khảo, còn bạn thích lập mộ hoặc thích thường xuyên thăm mộ người thân thì cứ làm theo ý mình.
GS Đích
____________________________________________________________________________
Hoa vườn nhà
(Hoa Đỗ quyên rừng, đang mùa khoe sắc)