Hỏi: Nhà tôi con cháu ốm đau, một thầy bảo vì mộ cụ tam đại bị động, rễ cây ăn vào mắt, phải cúng giải mộ mới khỏi. Gia đình đã cúng nhưng không thấy chuyển biến gì. Xin GS giải thích cho “động mộ” là thế nào? Và cách hóa giải khi động mộ.
Hoàng Văn Đĩnh, Thanh Hóa
Trả lời: Không có chuyện “động mộ” gì cả !
Người chết chôn xuống đất, đắp nấm mồ là xong, động đậy gì đều không có ý nghĩa. Nhiều thầy xem bệnh hoặc xem công việc cho mọi người hay phán vì mộ này động do rễ cây ăn vào, mộ kia động do bị đào bới đứt long mạch, mộ khác động do trâu bò húc nứt tường mộ v.v… đều là phán bừa bãi, mang tính mê tín dị đoan.
Người ốm, trước hết phải đến khám bác sỹ để xác định ốm vì bệnh gì, và vì sao mà mắc bệnh. Còn phải xem mình có đang bị phạt hay đang phải trả Nghiệp do đã phạm tội ở kiếp đời này hay những kiếp trước hay không.
Ngôi mộ với linh hồn người chết
Người chết, thân xác nằm dưới mộ, linh hồn bay về cõi Trời. Ở cõi Trời nguời này hàng ngày tu luyện, không để tâm tới ngôi mộ của mình ở cõi Trần. Vì vậy ngôi mộ không có ý nghĩa gì đối với người chết. Người Trần chúng ta quan tâm tới ngôi mộ người thân là để cho chính mình đấy thôi.
Người Trần quan hệ với linh hồn người chết thế nào?
Linh hồn người chết (gọi là “người âm”) chỉ cần ở người Trần một tấm lòng: Tấm lòng nghĩ đến họ (nghĩa là đừng có quên họ), thế thôi. Họ không cần ở người Trần cái gì cả. Tiền bạc, quần áo, vàng mã đều không có nghĩa gì đối với người âm. Con cháu muốn quan hệ với người đã khuất thì chỉ cần thắp hương trên bàn thờ là gặp được họ. Cứ thắp hương mời về là người âm về ngay. Ra mộ cũng là cách để thắp hương mời người âm về. Cũng thế cả. Nay trên bàn thờ, mai ra mộ để làm gì? Ngược lại, người âm rất ngại về mộ, vì ở đó không gian khí Trời nặng trọc, đầy ô nhiễm. Mỗi lần từ mộ quay về cõi âm, người âm lại phải mất công thanh lọc hư dư khí ô nhiễm của nghĩa trang rồi mới lại tiếp tục tu luyện ở cõi giới thanh nhẹ của mình. Do đó người âm về mộ là bất đắc dĩ phải về đó thôi. Chả lẽ con cháu nó mời về mà lại không về! Về rồi cũng biến nhanh lắm. Thế có phải ta mời các cụ về mộ là làm phiền các cụ không? Đối với người Trần: Không ít người ra mộ về đã bị vong lạ ngoài nghĩa trang nhập vào người, gây cho nhiều bệnh khốn khổ. Tác giả đã chữa cho quá nhiều người như thế này rồi. Thành ra ngôi mộ làm phiền cả 2, người âm và người Trần.
Vì vậy, ta cần hiểu rằng, người âm không thích về mộ. Người âm thích về bàn thờ hơn là về mộ. Vì trên bàn thờ không gian thanh nhẹ hơn ở nghĩa trang nhiều, khi quay trở về không phải thanh lọc lại. Như thế ngôi mộ chỉ là ý thích duy ý trí của người Trần, chứ người âm thì không cần. Hàng tỷ tỷ người đã chết bao đời nay trên cõi giới này không còn mộ thì có chết ai đâu? Thậm chí người ta ném xác người chết xuống sông Hằng (như tập quán của người dân thành phố Varanasi bên sông Hằng, Ấn Độ) mà không chôn cất gì cả, cũng có sao đâu? Rồi cũng có nơi người ta chôn chặt, san phẳng mà không đắp mộ (như tục của một dân tộc thiểu số ở tình Điện Biên) có sao đâu? Lính hải quân chết, người ta ném xác xuống biển, chứ không lập mộ (nên mới thả vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ), cũng có sao đâu? Cũng có người muốn được đốt xác thành tro bụi rồi trải ra đồng quê sông biển, cũng có sao đâu? Vậy rõ ràng lập mộ là một tập quán sai lâu đời của người Trần. Càng làm mộ cầu kỳ càng sai! Thế mà người ta đang đua nhau xây mộ người thân 2 tầng, cũng bê tông hóa, cũng rồng bay phượng múa, màu mè lòe loẹt. Rồi lại còn đầu tư làm “Nghĩa trang vĩnh hằng”, kiếm lời trên linh hồn người chết! Người Trần còn sống hẳn hoi mà đã vội bỏ ra cả chục triệu đồng để xí phần một ngôi mộ cho mình trong đó, kẻo sợ hết. Thật là tai hại! Những người này đang không hiểu rằng: thân xác là cái bỏ đi. Họ đang tôn thờ cái của bỏ đi!
Ngôi mộ giúp gì cho con cháu đời sau ?
Ngôi mộ không giúp gì cả. Chỉ có người âm giúp con cháu đời sau thôi. Người âm giúp con cháu mình vô điều kiện, không cần phải có ngôi mộ mới giúp. Mà cũng chỉ giúp tới 4 đời sau thôi. Từ đời thứ 5 thì ủy thác cho lớp con cháu chết sau lo giúp, để mình yên phận tu luyện ở cõi âm, rồi còn đầu thai kiếp khác. Cho nên ngôi mộ có lập cũng chỉ cần đắp đất trồng cỏ để sau 4 đười nó tự phong hóa là xong. Người xưa do đó chỉ thờ 4 đời trên bàn thờ (Cao Tằng Tổ Khảo- là cha mẹ mình, ông bà mình, cụ mình và kỵ mình). Nhưng khi cúng mà mời cả các cụ thượng tổ thì các cụ vẫn về! Con cháu sau 4 đời không còn biết tên các bậc trên này nữa. Có còn mộ đấy chúng cũng không cần biết. Mộ khi đó bỏ hoang, không ai thăm viềng. Vậy thì làm mộ cầu kỳ để làm gì? Tuyệt đối không phải xây mộ khang trang cho tổ tiên mới là có hiếu!
Nên ứng xử thế nào với người chết?
Trước hết cần hiểu rằng, khi người đã chết thì thân xác là cái bỏ đi, ta chỉ nên trân trọng cái linh hồn của họ. Đã là cái bỏ đi thì chỉ cần làm sao cho thân xác không gây ô nhiễm môi trường là được. Cụ thể nên làm theo các cách tốt nhất, nhì, ba… như hình vẽ dưới đây: Đốt xác thành tro bụi, trải ra đồng quê sông biển mà không lập mộ (1), chôn xuống đất san phẳng rồi quên nó đi (2), chôn lập mộ đắp đất trồng cỏ đơn giản (3), chôn xây mộ đơn giản, tường con kiến, vữa vôi cát (4). Tuyệt đối tránh xây kiên cố (để cho nó tự phân hủy sau khoảng 4 đời). Đây là nói ngôi mộ cho những người dân thường chúng ta.
Các dạng mộ nên xây
Mộ các vĩ nhân và người có công thì sao?
Họ cũng không cần ngôi mộ. Người Trần xây mộ cho họ là để loài người có dịp đến đó thăm viếng, tỏ lòng tôn kính biết ơn. Cho nên mới xây mộ, đền thờ, lăng tẩm, nghĩa trang… bền vững và mỹ quan, thậm chí còn là điểm du lịch tâm linh. Cái đó cần làm, nhưng cũng là làm cho người Trần chứ không phải cho người âm. Các vĩ nhân không ai yêu cầu người Trần làm mộ hoành tráng cho họ.
Kết luận
Không có chuyện động mộ. Người âm không cần có mộ. Tác giả đã hỏi ý kiến rất nhiều người âm, họ đều nói thế. Vì vậy mọi người không nên quá bận tâm vào việc xây mộ. Chữa bệnh mà nói do động mộ là không có thật.
GS Đích