Hỏi: Hiện nay ở một số nơi thờ cúng người ta không cúng vàng mã, nhiều nhà cũng không cúng vàng mã, những nơi khác nhà khác lại vẫn cúng. Xin GS giải thích ý nghĩa việc cúng vàng mã. Ta có nên cúng vàng mã hay không? Tại sao?
Nguyễn Văn Hiền, TP Vũng Tàu.
Trả lời: Trước hết ta cần hiểu cúng vàng mã là thể hiện một tấm lòng của người Trần muốn gửi đến người Âm mà mình đang thờ một món quà. Theo cách nghĩ thông thường thì ta có cái gì cúng cái đó, dùng cái gì cúng cái đó, quý cái gì cúng cái đó. Đó là một tâm thiện, đáng quý. Ta không cúng cái gì mà ta không dùng, vì thế là không quý hóa. Cúng vàng mã là cúng tiền, quần áo, vàng bạc... giấy, đều là của quý cả. Cúng vàng mã là ta thể hiện với người Âm tấm lòng quý hóa này. Nhưng vàng mã đều là thứ giả, không thật, là thứ ta không dùng mà đem cúng thỉ có tâm quý hóa thật không? Ta cúng Phật cái mà ta không dùng thì có thực là quý hóa Phật không? Đó là điều bạn đọc cần suy nghĩ.
Người âm cần ở ta cái gì?
Cần một tấm lòng, tấm lòng chân thành quý hóa! Thế thôi.
Người xưa ở vùng Đông Nam Á vốn rất nghèo, mỗi khi cúng lễ họ muốn gửi cho người Âm một số tiền nhưng vì nghèo mà không có tiền đặt lên bàn thờ. Chả lẽ chỉ đặt 1 xu hay 1 hào lên đĩa làm lễ thì thấy nó ít quả, rất khó coi. Lúc bấy giờ người ta có sáng kiến làm tiền giả, bán rất rẻ để mọi người đều có thể cúng tiền cho người được thờ (Đức Phật, Tiên Thần, Ông bà tôt tiên…). Chỉ có 1 xu hay 1 hào, nhưng mua được một tập tiền giả đặt lên bàn thờ thì thấy nó cũng đủ là một món lễ. Điều này làm yên lòng người thờ cúng. Cũng có khi do không hiểu, sợ cúng tiền thật phải đốt đi, làm tiền giả coi cũng là “tiền”. Nhưng vì nó là đồ giả, người cúng không dùng nên người Âm cũng không thích. Tuy nhiên, nó là cả một tấm lòng của người Trần nghèo lúc bấy giờ, nên người Âm không trách và vẫn chấp nhận (đây là chấp nhận tấm lòng tốt của người cúng, chứ không phải chấp nhận tiền giả). Lâu đời thành thói quen cúng đồ giả.
Ngày nay tình hình đã khác. Loài người hiện không còn nghèo quá khổ như ngày xưa. Nhiều nhà hiện rất giàu có, lắm tiền của, mà lại vẫn cúng tiền giả thì tâm không còn thành nữa, không còn là quý hóa nữa. Đó là điều không đạt đối với người Âm hiện nay. Người Âm bây giờ không coi cúng vàng mã là một tấm lòng thành. Nhiều nơi nhận thức được điều này mà thôi không cúng vàng mã nữa.
- Ta có dùng tiền giả đâu mà đem cúng tiền giả?
- Ta có dùng quần áo giả đâu mà đem cúng quần áo giả?
- Ta có dùng ngựa giả, ô tô giả, nhà tầng giả, thậm ô sin giả… đâu mà đem cúng những đồ giả này?
Thế thì hỏi quý hóa ở chỗ nào?
Cho nên cúng những thứ này bây giờ tốn tiền của vô ích, làm ảnh hướng xấu đến nền văn hóa dân tộc và môi trường xung quanh (do đốt hóa vàng lẫn nhiều hóa chất độc hại), sinh khói bụi, lại dễ sinh hỏa hoạn, trong khi người Âm lại không thích. Thế thì ta có nên làm không?
Hướng giải quyết
- Nếu bạn cúng tiền thì cứ đặt tiền thật lên cúng. Bạn nghèo thì đặt ít tiền, giàu thì đặt nhiều, Cúng cả tiền triệu đều được. Đây chính là tấm lòng thật của ta, vì ta hàng ngày dùng tiền này. Cúng xong đem tiền sử dụng, coi như lộc của lế, chẳng mất đi đâu, càng dễ gặp may.
- Nếu bạn muốn cúng quần áo thì hãy đặt quần áo thật lên mà cúng. Cúng xong đem quần áo ta dùng, coi là lộc của lễ. Hoặc không, bạn có thể đặt tiền thật lên lễ rồi kính cáo các cụ rằng bạn muốn gửi tiền này để các cụ may quần áo (đã chắc các cụ cần may quần áo à?). Bạn muốn gửi ô tô nhà lầu cũng vậy. Cứ đặt tiền lên lễ rồi nói ý muốn gửi tiền này để các cụ mua ô tô, xây nhà lầu. (Nhưng đó là ý muốn của ta, chứ chắc gì các cụ đã thích mua ô tô, xây nhà lầu?). Nhưng như thế người Âm hiểu bạn có một tấm lòng.
- Nếu bạn thành tâm muốn thể hiện tấm lòng của mình bằng việc cúng vàng mã thì vẫn được người Âm thông cảm chấp nhận, nhưng sẽ không vui, thời nay còn trách cho đấy.
Bạn cần nhớ
Bạn cần nhớ rằng người Âm chỉ cần ở người Trần một tấm lòng thành: tấm lòng chân thành tưởng nhớ đến họ. Thế thôi. Con cháu không được quên ơn tổ tiên. Khi cúng, tâm ta phải rất chân thành. Còn đồ lễ nhiều ít không quan trọng, nhưng phải là đồ thật, tươi thơm, không ôi thiu ô nhiễm. Vàng mã tốt nhất là không dùng.
GS Đích